Mưa lớn ảnh hưởng như thế nào đến các thông số môi trường và sức khỏe tôm nuôi?
Mưa lớn ảnh hưởng như thế nào đến các thông số môi trường và sức khỏe tôm nuôi?
Mưa lớn và kéo dài sẽ gây nên hàng loạt sự biến động các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi tôm và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm nuôi. Bài viết sẽ trình bày tóm tắt những thay đổi trong ao nuôi tôm và biện pháp xử lý khi nuôi tôm trong mùa mưa.
Điều gì xảy ra trong ao nuôi tôm khi mưa lớn?
- Nhiệt độ, hàm lượng oxy hòa tan (DO), pH, độ kiềm và độ mặn giảm.
- Thực vật phù du (phytoplankton), chủ yếu là tảo sẽ tàn (chết đột ngột).
- Gia tăng tích lũy vật chất hữu cơ dưới đáy ao nuôi tôm.
- Mưa lớn kết hợp với gió mạnh sẽ làm xáo trộn bùn đáy ao nuôi.
- Độc tính của khí H2S gia tăng trong suốt thời gian mưa lớn.
- Mật số vi khuẩn gây bệnh sẽ gia tăng trong ao, thay thế cho các vi khuẩn có lợi.
- Tiếng ồn gây ra do mưa lớn kéo dài trên bề mặt ao gây stress cho tôm nuôi.
- Tôm thường lột xác sau những cơn mưa lớn do pH giảm thấp và sự thay đổi mật độ của tảo.
Những ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đến ao nuôi tôm
- Mưa lớn kéo dài sẽ gây chết tôm do sự thay đổi chất lượng nước, tôm bị stress và bị bệnh.
- Tỷ lệ tiêu thụ thức ăn của tôm giảm thấp (tôm bỏ ăn).
- Tôm sẽ di chuyển xuống đáy ao nuôi, nơi có nhiệt độ ấm hơn; tuy nhiên hàm lượng bùn đáy cao do xáo trộn và rửa trôi sẽ ảnh hướng lớn đến hô hấp của tôm nuôi.
- Tiếng ồn gây ra do mưa lớn sẽ làm tôm stress và tôm sẽ tránh điều này bằng cách di chuyển xuống gần đáy ao nuôi, nơi đang có nhiều biến động bất lợi cho sức khỏe tôm.
- Các điều kiện môi trường dưới đáy ao nuôi vô cùng xấu, do có sự xáo trộn lớn ở nền đáy ao nuôi.
- Sự cạnh tranh về oxy hòa tan và không gian sống (do tất cả tôm nuôi đều di chuyển xuống nền đáy) diễn ra mạnh mẽ, làm tôm bị stress.
- Hàm lượng khoáng trong ao nuôi tôm suy giảm nghiêm trọng sau khi mưa lớn kéo dài, điều này gây ra tỷ lệ mềm vỏ của tôm trong ao tăng cao.
- Khi nhiệt độ ao nuôi giảm 1oC, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn (feed intake) của tôm sẽ giảm từ 5-10%; khi nhiệt độ giảm 3oC, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn sẽ giảm tới 30%.
- Sức khỏe tôm nuôi giảm sút và dễ bị cảm nhiễm với mầm bệnh, tỷ lệ tôm ăn nhau cũng gia tăng.
- Sau khi mưa kết thúc và nhiệt độ gia tăng cao trở lại sẽ dẫn đến sự gia tăng mật độ vi sinh vật trong ao nuôi tôm một cách bất thường do hàm lượng vật chất hữu cơ trong ao rất cao, sẽ là nguồn dinh dưỡng tốt cho vi sinh vật phát triển. Điều này dẫn đến sự suy giảm hàm lượng oxy hòa tan trong ao một cách đột ngột, có thể gây chết tôm.
- Nghiên cứu ở miền nam Thái Lan cho thấy, tỷ lệ tôm chết dao động từ 2-3% đến 50% trong thời gian mưa lớn kéo dài.
Những việc người nuôi tôm cần làm khi xảy ra mưa lớn kéo dài?
- Bật tất cả hệ thống sụt khí có trong ao khi trời mưa.
- Luôn luôn duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong ao nuôi cao hơn 20% so với điều kiện bình thường.
- Cần xả bỏ lớp nước mưa trên bề mặt ao nuôi tôm sau khi có mưa lớn kéo dài.
- Kiểm tra pH trong khi trời mưa, nếu như pH giảm xuống quá thấp cần rải vôi quanh bờ ao và dưới ao.
- Ngưng cho tôm ăn trong điều kiện trời đang mưa lớn kéo dài.
- Cần bổ sung vitamin C, muối ăn với liều 4-5 g/kg thức ăn cho tôm ăn sau khi trời mưa. Đồng thời bổ sung kali với liều 5-6 kg/ha bằng cách hòa tan và tạt đều khắp ao để duy trì sức khỏe tôm. Mục đích của việc bổ sung muối ăn và kali là nhằm cung cấp các ion Na+, Cl- và K+; đây là các ion có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu của tôm. Trong mùa mưa, độ mặn giảm thấp đồng nghĩa với việc các ion này trong nước giảm đi rất nhiều nên cần phải bổ sung thường xuyên.
Một vài lưu ý cho người nuôi tôm khi mưa lớn kéo dài
Người nuôi tôm cần phải theo dõi và kiểm soát chặt chẻ các thay đổi trong ao khi trời mưa để giảm tác hại đến tôm nuôi. Các thay đổi về sức khỏe của tôm như giảm ăn, thay đổi màu nước ao nuôi, pH thấp, ván bọt xuất hiện trên bề mặt ao cho thấy tảo đang có dấu hiệu tàn,… người nuôi tôm cần lưu ý đến khả năng tôm bị chết, vì rất khó phát hiện do tôm khỏe ăn xác tôm chết.
Người nuôi tôm có khuynh hướng cho tôm ăn quá nhiều trong thời gian mưa, do lượng thức ăn vẫn được tôm tiêu thụ trong các sàng ăn. Trong thời gian mưa, tôm có kích cỡ lớn vẫn có cơ hội đi kiếm ăn và chúng sẽ ăn hết thức ăn trong các sàng ăn. Người nuôi tôm nghĩ rằng tôm vẫn ăn bình thường và gia tăng lượng thức ăn, nhưng trong thực tế tôm giảm ăn rất nhiều. Điều này dẫn đến gia tăng sự tích tụ chất hữu cơ trong ao do thức ăn thừa.
Một trường hợp điển hình và cách xử lý khi trời mưa lớn kéo dài
Một nông dân nuôi tôm sú (Penaeus monodon) tới giai đoạn 118 ngày trong mùa mưa tại Malaysia với ao nuôi có diện tích 0,5 ha, thả nuôi với mật độ 28 con/m2. Khi đợt mưa lớn kéo dài kết thúc, nhiệt độ tăng cao đã làm cho tảo phát triển quá mức (độ trong thấp hơn 10 cm), tôm nổi đầu và tấp mé bờ. Tôm hoạt động yếu ớt, màu sắc nhợt nhạt, có dấu hiệu mềm vỏ và mất thịt. Tỷ lệ tiêu thụ thức ăn giảm từ 40 kg/ngày xuống còn 20 kg/ngày.
Trước tình trạng trên, người nuôi tôm tiến hành bổ sung vitamin C và muối ăn vào thức ăn với liều 5 g/kg thức ăn; đồng thời bổ sung kali vào ao với liều 3 kg trên ao 0,5 ha hàng ngày cho đến khi sức khỏe tôm có dấu hiệu phục hồi.
Kết quả người nuôi tôm có thể kéo dài thời gian nuôi tôm lên 173 ngày, trọng lượng tôm khi thu hoạch đạt 38-40 con/kg. Tôm rất khỏe, màu sắc tốt và không còn hiện tượng mềm vỏ và mất thịt. Tổng năng suất tôm đạt 7,2 tấn/ha và tỷ lệ sống đạt 50%. Chất lượng nước vào cuối chu kỳ nuôi được cải thiện và duy trì tốt.
Mùa mưa đang đến, bà con nuôi tôm cần chú ý các biện pháp quản lý ao nuôi để kiểm soát và duy trì các thông số môi trường nhằm nâng cao sức khỏe tôm nuôi, hạn chế thiệt hại.
SẢN PHẨM
kiến thức giống thủy sản
Quy trình phòng ngừa - điều trị bệnh phân trắng tôm thẻ
Mưa lớn ảnh hưởng như thế nào đến các thông số môi trường và sức khỏe tôm nuôi?
Chẩn đoán sức khỏe tôm nuôi tại ao
Tảo Tươi
Tin tức - sự kiện